GIÁO LÝ DỰ TÒNG - BÀI 2
Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014
Bài 02 THIÊN CHÚA NÓI VỚI LOÀI NGƯỜI
“Thiên Chúa cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: Thiên
ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô.”
(Ep 1,9)
Loài người tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng thực ra, chính
Thiên Chúa tìm gặp loài người trước: Thiên Chúa gieo vào tâm hồn loài
người một khát vọng tìm kiếm Người, rồi chính Người đến tỏ mình
cho họ. Thiên Chúa tỏ mình cho loài người dưới nhiều hình thức, nhất
là trong THÁNH KINH.
1. Thánh Kinh là gì?
Thánh Kinh là bộ sách cho chúng ta biết Thiên Chúa
là ai và Người muốn chúng ta làm gì. Bộ sách này được Thiên Chúa
soi sáng cho một số người viết ra. Những người này nhận được ánh
sáng Thiên Chúa từ bên trong (linh ứng) để viết ra những điều Chúa
muốn. Nói cách khác, các Thánh ký (Ngôn sứ, Tông đồ, một số môn
đệ…) lãnh nhận điều Thiên Chúa soi sáng trong lòng, rồi trình bày
bằng chữ viết theo cách thức riêng của mình. Như thế, có thể nói
rằng: ý tưởng (nội dung) là do Thiên Chúa, còn hình thức (cách diễn
tả) là do các Thánh ký. Sự phân chia này khiến nhiều người gọi Thiên
Chúa là Tác-giả-chính của Thánh Kinh, còn các Thánh ký là
Tác-giả-phụ: “Để viết các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn một số
người, dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, họ viết ra tất
cả những gì Chúa muốn và chỉ viết những điều Chúa muốn mà
thôi”(Hc. MK 11).
2. Thánh Kinh viết từ bao giờ?
Thánh Kinh được viết trong khoảng 12 thế kỷ từ năm
1250 trước công nguyên đến năm 100 sau công nguyên, gồm phần Cựu ước và
Tân ước.
Cựu ước:
là những sách viết về giao ước ký kết xưa kia giữa Thiên Chúa và dân
tộc Israel. Cựu ước có 46 cuốn.
Tân ước: là
những sách viết về giao ước ký kết sau này giữa Thiên Chúa và loài
người qua Chúa Kitô. Tân ước gồm 27 cuốn.
Sau này, Hội Thánh duyệt lại các sách đó và tập
hợp thành bộ sách gọi là Thánh Kinh mà chúng ta sử dụng ngày nay. Ngoài những điều được ghi chép bằng văn tự gọi là
THÁNH KINH, còn nhiều điều không được ghi chép trong bộ sách ấy, nhưng
vẫn được truyền tụng và được Hội thánh Công nhận, gọi là THÁNH
TRUYỀN. Thánh Kinh và Thánh Truyền là nền tảng niềm tin của Hội
Thánh.
3. Nội dung Thánh Kinh
Nội dung Thánh Kinh là chương trình cứu độ của Thiên
Chúa. Chương trình được thực hiện qua từng giai đoạn như sau:
Thiên Chúa Tình yêu dựng nên trời đất muôn vật và loài người: loài người được Chúa chăm sóc đặc biệt, được Chúa cho sống hạnh phúc ngay từ đầu.
Thiên Chúa Tình yêu dựng nên trời đất muôn vật và loài người: loài người được Chúa chăm sóc đặc biệt, được Chúa cho sống hạnh phúc ngay từ đầu.
Để tăng thêm
hạnh phúc cho loài người, Thiên Chúa thử thách họ. Họ ngã gục. Hậu
quả là họ phải sống lầm than, cay cực, phải chết, mất cả hy vọng
được sống hạnh phúc đời sau. Tội của nguyên tổ ảnh hưởng tới toàn
thể con cháu.
Dù sao,
Thiên Chúa đã dựng nên loài người, Người không nỡ cứ để họ sống
trong khổ ải. Vì thế, Người hứa ban Đấng Cứu Thế đến cứu vớt họ,
dạy họ biết cách sống để lại được làm con Chúa và đáng hưởng Nước
Trời.
Để chuẩn
bị đón nhận Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa chọn Israel làm dân riêng, huấn
luyện, dạy dỗ, thanh tẩy họ. Quá trình tập huấn rất cam go. Thiên
Chúa dùng các Quan án, các Vua, đặc biệt các Ngôn sứ rèn luyện họ,
nhưng hầu hết họ vẫn tỏ ra bất xứng.
Chỉ còn
lại một số ít xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ, trong đó nổi bật
khuôn mặt Đức Maria. Đức Maria được chọn gọi làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
Đấng Cứu
Thế đến dạy dỗ loài người về tình thương của Chúa Cha, về cách
thức loài người phải tôn thờ Thiên Chúa và đối xử với nhau. Vào
cuối đời, Chúa Giêsu lấy chính máu mình ký kết với loài người một
giao ước, thay thế giao ước cũ Sinai.
Chúa Giêsu cũng thiết lập Hội Thánh để tiếp tục
công cuộc cứu chuộc của Người đã khởi sự ở trần gian. Sứ mệnh của
Hội Thánh cũng chính là sứ mệnh của Chúa Kitô mà Hội Thánh phải
thi hành không ngừng cho đến ngày tận thế: Lúc ấy, Chúa Kitô ngự đến
trong vinh quang để phán xét toàn thể vũ trụ; cũng là lúc hoàn tất
chương trình cứu độ. Người dâng lên cho Thiên Chúa Cha chiến lợi phẩm
đáng giá là toàn thể thế giới đã được cứu chuộc. Ngày ấy thật
đáng mong đợi. Vì thế, Hội Thánh hằng kêu xin với Chúa rằng: “Lạy
Chúa, xin hãy đến” (Kh 22,20).
III. BÀI HỌC
03. H. Thiên Chúa dùng cách thức nào để tỏ mình cho
loài người?
T. Thiên Chúa dùng nhiều cách thức, nhưng cách rõ
ràng nhất là Thánh Kinh.
04. H. Thánh Kinh là gì?
T. Thánh Kinh là bộ sách được linh ứng ghi chép ý
định và hành động cứu chuộc loài người của Thiên Chúa. Thánh Kinh
gồm 46 cuốn Cựu ước và 27 cuốn Tân ước.
05. H. Nội dung Thánh Kinh là gì?
T. Nội dung Thánh Kinh là chương trình và hành động
cứu độ của Thiên Chúa được Chúa Giêsu Kitô thực hiện. Chương trình và
hành động này trải dài suốt lịch sử loài người.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Thánh Kinh là bộ sách trình bày việc Thiên Chúa cứu
độ loài người. Tôi là một người cần được cứu độ. Vậy tôi quyết làm
quen với Thánh Kinh bằng việc đọc và suy niệm để hiểu rõ ý định
của Thiên Chúa trên cuộc đời tôi.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, dù chưa được chính thức làm con Chúa, con
vẫn đi dự Thánh lễ mỗi khi có thể. Trong Thánh lễ, mọi người chăm
chú nghe đọc Thánh Kinh. Hôm nay, con mới hiểu Thánh Kinh là sách ghi
lại Lời Chúa. Xin cho con biết quí mến Thánh Kinh, năng đọc và chăm
chú nghe Lời Chúa.
TÒA GIÁM MỤC XUÂN LỘC
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét