GIÁO LÝ VÀO ĐỜI - BÀI 1
Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014
BÀI 1
CON NGƯỜI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA
Trong cuộc sống, ai cũng muốn hạnh phúc và hạnh phúc mãi mãi. Nhưng đâu là hạnh phúc đích thật và trường cửu cho con người? Một bạn trẻ giàu có đến hỏi Đức Giêsu: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”(Mc 10,17). Câu hỏi của người bạn trẻ ngày xưa, về ý nghĩa và mục đích của đời sống con người mãi là câu hỏi cho chúng ta hôm nay.
Mục đích của con người ở
bất cứ thời đại nào cũng đều khao khát hạnh phúc. Vì thế, mọi người đều tìm đủ
mọi cách để có được hạnh phúc. Phải chăng hạnh phúc của con người là tiền bạc,
danh vọng, hưởng thụ, tiện nghi… Nhưng trong thực tế có biết bao người đạt được
danh vọng cao, tiền bạc chất đống… mà hạnh phúc vẫn hoài khuất bóng, thay vào
đó là thái độ luôn chán chường, thất vọng. Họ luôn khao khát một điều gì khác
hơn, cao hơn, và không bao giờ thấy đủ cho chính mình.
Theo Thánh Kinh: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con
người có nam có nữ”(St 1,27). Được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa, con
người tự bản chất là một tạo vật có tôn giáo, xuất phát bởi Thiên Chúa và đi về
với Người. Con người có mối tương quan hiệp thông với Thiên Chúa và Thiên Chúa
không ngừng lôi kéo con người lại với Người. Vì thế, con người tận sâu thẳm của
tâm hồn mang nỗi khát mong Thiên Chúa, vì chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm
thấy chân lý, hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của con người.
Thánh Augustino đã kêu
lên: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và lòng con khắc khoải cho tới khi tâm
hồn con được an nghỉ trong Chúa”. Như vậy, mục đích của đời người, hay đúng
hơn là đời người Kitô hữu, là tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa, vì Người là hạnh
phúc đích thực cho con người. Nhưng để có hạnh phúc, con người phải sống yêu
thương. Chỉ khi nào con người sống yêu thương, họ mới cảm nhận được hạnh phúc,
vì T.C là tình yêu.
2. Con người có khả năng nhận biết Thiên
Chúa
Thiên Chúa là Đấng
thiêng liêng, không thể xác, nhưng con người vẫn có khả năng nhận biết Người vì
Người đang tỏ mình cho con người: “Những gì người ta có thể biết về Thiên
Chúa, thì thật hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ”
(Rm 1,19). Do đó, con người được mời gọi nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Những
ai chân thành tìm kiếm Người, họ sẽ khám phá ra “con đường” giúp nhận biết
Người.
a. Con đường vũ trụ thiên nhiên
Với lý trí tự nhiên của
con người khi nhìn xem vũ trụ vạn vật và trật tự lạ lùng của nó, đã phải nhìn
nhận có một Đấng quyền năng vô biên sáng tạo nên. Tất cả vẻ đẹp của vũ trụ này
là một lời tuyên xưng mạnh mẽ về Đấng đã dựng nên nó. Vũ trụ này khơi gợi trong
lòng con người sự thán phục, tâm tình chúc tụng và biết ơn đối với Đấng là
nguyên lý của mọi sự. Như vậy, con người có thể nhận biết Thiên Chúa, vì con
người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa.
b. Con đường lương tâm
Con người gặp gỡ Thiên
Chúa qua việc chiêm ngắm vũ trụ, họ còn có thể gặp được Thiên Chúa khi trở về
nơi sâu kín trong lòng mình. Đi vào chiều sâu của tâm hồn, với sự cởi mở đón
nhận chân lý và cái đẹp; với lương tâm nhậy bén phân biệt điều lành, điều dữ,
với tự do, biết chọn lựa… con người luôn mang trong mình nỗi khao khát mà không
có gì có thể lấp đầy được. Một nỗi khao khát vô biên, không chỉ là vật chất, mà
còn vượt lên trên, đó là khao khát tìm về Chân - Thiện - Mỹ.
Ý thức mình có lương
tâm, có tự do, ý chí, đồng thời khát khao vươn tới vô biên, vĩnh cửu… Tất cả
những điều này giúp con người khám phá ra sự hiện diện của linh hồn thiêng
liêng bất tử phát xuất từ nguồn gốc duy nhất là Thiên Chúa hằng hữu.
Như thế, vũ trụ chung
quanh và chiều sâu tâm hồn đã trở thành những con đường đưa dẫn con người tìm
về Đấng là nguyên lý tiên khởi và cứu cánh tối hậu cho con người.
THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP
CON NGƯỜI
Con người có thể nhận
biết Thiên Chúa. Tuy nhiên, khả năng đó có giới hạn, nhất là vì tội lỗi đã
khuynh đảo tâm trí con người, nên con người chỉ có thể nhận biết được Thiên
Chúa cách chính xác nhờ chính Thiên Chúa mặc khải cho con người.
1. Mặc khải là gì ?
Mặc khải là lời Thiên
Chúa nói với con người để tự giới thiệu về mình. Nói rõ hơn, mặc khải là hành
động yêu thương của Thiên Chúa tỏ mình ra để cho con người biết Người là ai?,
Người muốn gì?… Nhờ đó, con người có thể đến với Thiên Chúa và hiệp thông với
Người để được ơn cứu độ.
Mặc khải là ơn ban của
Thiên Chúa. Chính vì yêu thương mà Thiên Chúa tự tỏ mình cho con người biết về
Người, để con người có thể gặp gỡ, nhận biết, và yêu mến Người. Lời Thiên Chúa
sẽ còn vang lên mãi cho ai biết chân thành lắng nghe và khao khát đón nhận. Tuy
nhiên, giữa Thiên Chúa và con người vẫn có một khoảng cách, Người phải dùng
nhiều hình thức và qua nhiều giai đoạn mặc khải để con người có thể từ từ nhận
biết Thiên Chúa.
2. Cách thức và các
giai đoạn mặc khải
a. Cách thức mặc khải
Khi mặc khải cho con
người, Thiên Chúa dùng ngôn ngữ, cảm nghĩ của con người để bày tỏ chính mình.
Thiên Chúa đã mặc khải cho con người qua lịch sử dân Israel. Lịch sử dân Israel
đã thành lịch sử thánh, lịch sử của ơn cứu độ.
b. Những giai đoạn mặc khải
Suốt dòng lịch sử, Thiên
Chúa mặc khải chính mình qua công trình sáng tạo, đặc biệt là qua con người vốn
là hình ảnh của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã sống thân
mật với ông bà nguyên tổ, Người ban cho ông bà sống chan hoà với vạn vật, và
hạnh phúc với nhau. Nhưng ông bà đã lạm dụng tự do, không trung thành với tình
yêu Thiên Chúa và phản bội Người… Dù vậy, Thiên Chúa không bỏ rơi con người,
Người vẫn tìm đến và hứa ban Đấng Cứu Thế.
Lời hứa đó được Thiên
Chúa nhắc lại và củng cố qua giao ước với Noê và Apraham. Sau Apraham, Giacóp,
đến Môsê, dân Israel được Thiên Chúa tuyển chọn và lập giao ước với họ.
Qua giao ước Sinai,
Thiên Chúa ký kết với dân một giao ước. Người ban cho họ mười giới luật và đòi
buộc họ phải chu toàn: “Nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước
của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của ta. Vì toàn cõi
đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh”(Xh
19,5-6).
Lần lượt trong nhiều
thời đại, Thiên Chúa đã nói với dân của Người qua các ngôn sứ để chuẩn bị họ
đón nhận Đấng cứu thế, mà Người đã hứa ban cho toàn thể nhân loại. Bằng đường
lối sư phạm tuyệt hảo đó, Thiên Chúa đã mặc khải chính mình, để con người có
thể sẵn sàng đón nhận Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa là mặc khải trọn vẹn.
c. Đức Giêsu là mặc khải trọn vẹn
Đức Giêsu là Ngôi Lời
Thiên Chúa Nhập thể làm người. Người là lời duy nhất xác thực của Thiên Chúa.
Chỉ có Đức Giêsu mới là Đấng duy nhất có đủ tư cách và khả năng để mặc khải, vì
Người là Con Một, hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha. “Không ai đã thấy Thiên
Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa
Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”(Ga 1,18).
- Đức Giêsu là mặc khải sung mãn, vì nơi Người ứng nghiệm lời ngôn sứ, và Người thực hiện trọn vẹn Lời
Hứa, lời Giao Ước.
- Mặc khải nơi Đức Giêsu
là mặc khải dứt khoát, đạt tới tận chóp đỉnh “Ai tin thì được cứu độ”(Mc
16,16).
Đặc biệt, Đức Giêsu đã chết và đã sống lại để
mặc khải tình yêu cứu độ sung mãn của Thiên Chúa. Đây là đỉnh cao của mặc khải
và là mặc khải trọn vẹn. Đức Giêsu là Lời tròn đầy sung mãn, và duy nhất của
Chúa Cha đối với nhân loại nên không còn mặc khải vượt trên sự viên mãn đó nữa.
Vì yêu thương, Thiên
Chúa đã trao ban cho nhân loại Người Con Một dấu yêu, để dẫn đưa nhân loại về
với Thiên Chúa, mặc khải cho nhân loại biết T.C, để được sống hiệp thông với
Người.
PHẦN HỌC VIÊN
1. Con người sống ở đời này để làm gì?
Con người sống ở đời này
để tìm kiếm hạnh phúc, và hạnh phúc thật là được hiệp thông với Thiên Chúa.[1]
2. Với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có thể nhận biết Thiên Chúa
không?
Con người có thể nhận
biết Thiên Chúa bằng hai cách: [2]
- Dựa vào thiên nhiên: Nhìn trời đất với trật tự lạ lùng của muôn vàn
kỳ diệu của trời đất… người ta nhận ra phải có Đấng Sáng tạo và điều khiển vũ
trụ.
- Dựa vào những khát vọng trong lòng người: Con người cảm thấy mình
luôn khao khát điều chân thật, điều tốt, điều đẹp (chân, thiện, mỹ). Những khát
vọng ấy khiến người ta suy nghĩ rằng: phải có Đấng là cội nguồn sự thật, là căn
nguyên sự tốt lành và là khuôn mẫu vẻ đẹp; vì có như thế mới giải thích được
tại sao con người có những khát vọng đó, mới lấp đầy những ước vọng tự nhiên và
rất chính đáng của con người.
3. Chỉ với ánh sáng tự nhiên của lý trí, con người có đủ khả năng để
nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa không?
Chỉ với ánh sáng của lý trí, con người sẽ gặp rất
nhiều khó khăn trong việc nhận biết Thiên Chúa. Con người không thể nào tự mình
bước vào mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa. Vì thế, con người cần được mặc khải
của Thiên Chúa soi dẫn, không những về những gì vượt quá sự hiểu biết của nhân
loại, mà cả về những chân lý tôn giáo và luân lý.[3]
4. Mặc khải là
gì ?
Mặc khải là việc Thiên Chúa bày tỏ cho con
người biết Thiên Chúa là ai và Người muốn gì. Nhờ đó con người có thể đến với
Thiên Chúa và hiệp thông với Người.[4]
5. Thiên Chúa
mạc khải cho con người điều gì?
Thiên Chúa mạc khải
chính mình Ngài cho con người. Ngài muốn
đón nhận tất cả mọi người thành nghĩa tử trong Đức Giêsu Kitô và cho họ tham dự
vào sự sống của Ngài.[5]
6. Những giai
đoạn đầu tiên của Mạc khải là gì?
Từ nguyên thủy,
Thiên Chúa tỏ mình ra cho Ađam và Evà. Sau khi họ sa ngã, Ngài đã hứa ban ơn
cứu độ cho con người.
Sau đại hồng thủy, Thiên Chúa ký kết với Noe một
Giao ước; sau đó, Ngài chọn Apraham và cho ông trở thành "cha của vô
số dân tộc" (St 17,5); Thiên Chúa chọn Israel làm dân của Ngài, ký kết với
họ Giao ước Sinai; Qua Môsê, Ngài ban cho họ Lề luật. Sau cùng, các tiên tri đã
loan báo ơn cứu chuộc cho dân Chúa và tất cả mọi dân tộc, trong một Giao ước
mới và vĩnh cửu, là Đức Giêsu. [6]
7. Mạc khải trọn
vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa là gì?
Mạc khải trọn vẹn
và dứt khoát của Thiên Chúa được thực hiện nơi Ðức Giêsu Kitô. Ngài là Con duy
nhất của Thiên Chúa, đã làm người, là Lời hoàn hảo và dứt khoát của Chúa Cha.
Mạc khải đã được hoàn tất cách trọn vẹn qua việc Thiên Chúa sai Con Ngài và ban
tặng Thánh Thần.[7]
Dom. Duy Khang, OP.
[1] Tòa Giám mục Xuân Lộc,
Sống Đạo, số 1.
[2] Xc. Tòa Giám mục Xuân Lộc, Giáo lý Dự Tòng,
tr.10.
[3] Xc. Bản toát yếu Sách Giáo lý HTCG, số 4.
[4] Tòa Giám mục Xuân Lộc, Sống Đạo, số 5.
[5] Xc. Bản toát yếu Sách Giáo lý HTCG, số 6.
[6] Xc. Bản toát yếu Sách Giáo lý HTCG, số 7-8.
[7] Xc. Bản toát yếu Sách Giáo lý HTCG, số 9.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét