GIÁO LÝ VÀO ĐỜI - BÀI 2
Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014
BÀI 2
THIÊN CHÚA NÓI VỚI CON NGƯỜI
THÁNH KINH CỰU ƯỚC
Để mặc khải chính mình cho con người, Thiên Chúa đã đoái thương dùng ngôn ngữ con người mà nói với họ: “Lời của Thiên Chúa, diễn đạt bằng ngôn ngữ nhân loại, trở nên giống tiếng nói con người”(DV 13). Do đó, con người có thể nhận biết Thiên Chúa và sống thân mật với Người nhờ việc đọc, suy niệm và sống Lời Chúa được ghi trong Thánh Kinh.
1. Thánh Kinh, sách ghi Lời Chúa
a. Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh
Nhìn từ bình diện nhân loại, Thánh Kinh là tổng hợp những tác phẩm của nhiều tác giả nhân loại. Họ là những con người cụ thể, sống trong một thời đại nhất định với những vấn đề của thời đại và có những khả năng riêng biệt. Tuy nhiên, khi đọc Thánh Kinh, người Kitô hữu lại tuyên xưng “Đó là Lời Chúa”, vì họ xác tín rằng chính Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh.
Thiên Chúa đã linh hứng cho các tác giả nhân loại viết các Sách Thánh. “Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ với đầy đủ các khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ viết những điều đó thôi” (DV 11).
b. Chúa Thánh Thần, Đấng giải nghĩa Thánh Kinh
Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với con người theo cách thức con người. Vậy, để hiểu Thánh Kinh cho đúng, người Kitô hữu phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh ký thật sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn.
- Để khám phá “ý định của các thánh ký”, chúng ta phải quan tâm đến các thể văn được sử dụng, cũng như những cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật trong khung cảnh thời đại đó.
- Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần nên cũng phải được đọc và giải thích trong Chúa Thánh Thần.
* Nhưng phải lưu ý đến “nội dung và sự thống nhất của toàn bộ Thánh Kinh”, bởi vì Thánh Kinh gồm nhiều tác phẩm nhưng lại duy nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa và Đức Giêsu chính là tâm điểm của toàn bộ Thánh Kinh.
* Phải “dựa trên truyền thống của Hội Thánh” bởi vì Hội Thánh lưu giữ trong truyền thống của mình, và chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn Hội Thánh trong việc giải thích Thánh Kinh.
* Phải quan tâm đến “sự tương hợp của đức tin”, nghĩa là sự nối kết giữa các chân lý đức tin với nhau và với toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa.
c. Qui điển Thánh Kinh
Hội Thánh ấn định danh mục những sách được nhìn nhận là Sách Thánh. Danh mục đó được gọi là Qui điển Thánh Kinh, gồm 46 sách Cựu Ước và 27 sách Tân Ước.
Cựu Ước là một phần của Thánh Kinh không thể thiếu được. Các sách Cựu Ước được Thiên Chúa linh hứng. Tuy có nhiều khuyết điểm nhưng các sách ấy minh chứng khoa sư phạm đích thực của Thiên Chúa nhằm chuẩn bị và tiên báo ngày xuất hiện của Đức Giêsu, Đấng cứu chuộc muôn loài.
Tâm điểm của các sách Tân Ước là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người: các hành vi, giáo huấn, cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người, cũng như giai đoạn đầu của Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Trong toàn bộ Sách Thánh, các sách Tin Mừng chiếm vị trí quan trọng, vì sách Tin Mừng là chứng tá chính yếu về đời sống và giáo lý của Đức Giêsu. Vì thế, Hội Thánh tôn kính sách Tin Mừng cách đặc biệt trong cử hành phụng vụ.
d. Đức Giêsu, trọng tâm của toàn bộ Thánh Kinh
Thánh Kinh chứa đựng lời của Thiên Chúa. Tuy nhiên, xuyên qua mọi lời được viết trong Thánh Kinh, Thiên Chúa bày tỏ với con người chương trình cứu độ của Người trải qua trong lịch sử nhân loại. Chương trình ấy do Đức Giêsu thực hiện.
Đức Giêsu là mặc khải trọn vẹn và sung mãn. Toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước đều qui hướng về Đức Giêsu, vì Người đến thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
2. Thái độ đối với Thánh Kinh
a. “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô ”(St. Giêrônimô). Người Kitô hữu cần phải tiếp xúc với Thánh Kinh, hoặc khi tham dự Thánh lễ hoặc trực tiếp đọc Thánh Kinh hoặc học hỏi bằng những phương thế khác… ngõ hầu Lời Chúa sinh hoa trái nơi tâm hồn mỗi người.
b. Để Lời Chúa trổ sinh hoa trái, việc đọc Thánh Kinh phải đi đôi với kinh nguyện và việc thực thi Lời Chúa. Kinh nguyện đưa ta vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Đồng thời, phải tập sống Lời Chúa, vì Đức Giêsu đã cảnh giác: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”(Mt 7,21).
THÁNH KINH CỰU ƯỚC
1. Nguồn gốc xuất xứ
Thánh Kinh Cựu Ước gồm 46 cuốn, được soạn thảo và hoàn chỉnh bởi nhiều tác giả trong khoảng 10 thế kỷ. Từ năm 1000 đến năm 100 trước Công nguyên. Các sách Cựu Ước viết bằng tiếng Hipri. Sau này, sách được dịch sang tiếng Hy Lạp do một nhóm 70 người dịch thuật, bản dịch này được gọi là bản 70.
Các sách Cựu Ước được xây dựng dựa trên những dữ liệu truyền khẩu có từ rất lâu. Trong khi đó, hình thức văn chương và chữ viết mãi sau này mới có. Người ta không thể xác định một cách chắc chắn năm biên soạn của một quyển sách. Như thế, Thánh Kinh Cựu Ước được hình thành trong một thời gian dài và phức tạp.
2. Nội dung của các sách.
Thánh Kinh Cựu Ước được phân chia thành các loại:
a. Ngũ thư: Sáng thế, Xuất hành, Lê vi, Dân số, Đệ nhị luật.
Ngũ thư ghi lại những dữ kiện lịch sử như bằng chứng cho thấy mối liên hệ thân thiết giữa Thiên Chúa và con người, là nền móng làm nên Do Thái giáo, thành dân riêng của Thiên Chúa.
Giáo lý của Ngũ thư tuyên xưng: Thiên Chúa quyền năng sáng tạo vũ trụ và con người, Ngài đã chọn tổ phụ Apraham để hình thành dân Israel, đã ban cho họ một xứ sở trù phú…
Đọc Ngũ Thư, người Do Thái nhận ra sứ mạng của mình trong lịch sử cứu độ là phổ biến lòng tôn thờ Thiên Chúa và mời gọi dân Israel chuẩn bị tâm hồn đón chờ Đấng Cứu Thế.
b. Các sách lịch sử: Giô-suê, Thủ Lãnh, Rút, 2 sách Sa-mu-el, 2 sách các Vua, 2 sách Sử ký, Et-tra, Nơ-khê-mi-a, Tô-bi-a, Giu-đi-tha, Et-te, 2 sách Ma-ca-bê.
Các sách lịch sử ghi lại dòng lịch sử thăng trầm của dân Israel, để nói lên rằng: Khi Israel trung thành với Thiên Chúa, thì họ được Thiên Chúa chúc phúc và trợ giúp mỗi khi phải chống lại kẻ thù. Ngược lại, khi họ bỏ Thiên Chúa, thì đất nước sẽ suy vong và cuộc sống của Israel sẽ cơ cực trong cảnh lưu đày nô lệ.
c. Các sách Ngôn sứ: I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ai-ca, Ba-rúc,
E-de-ki-en, Đa-ni-en, Hô-sê, Giô-en, A-mốt, Ô-va-đi-a, Giô-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a, Ma-la-khi.
Ngôn sứ là những người được Thiên Chúa kêu gọi, để nói lời Thiên Chúa và nói thay cho Thiên Chúa. Các ngài chỉ loan báo sứ điệp bằng lời mà còn bằng cả đời sống. Vì nói lời chân thật, nên các ngài bị người đời đánh đập, sỉ nhục, tù đày và giết chết.
Các sách ngôn sứ là lời kêu gọi dân Israel không ngừng trở về với Thiên Chúa và canh tân cuộc sống, đồng thời loan báo ngày Thiên Chúa ban Đấng Cứu Độ cho nhân loại.
d. Các sách Giáo huấn: Gióp, Thánh Vịnh, Châm ngôn, Giảng viên, Diễm ca, Khôn ngoan và Huấn ca.
Các sách Giáo huấn là một tập sách về kinh nghiệm sống của các bậc thánh hiền, dạy những lẽ khôn ngoan về cách đối nhân xử thế sao cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa và hòa hợp với đồng loại trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của cuộc sống. Đặc biệt, sách Thánh vịnh là một bộ sưu tập 150 bài thơ, là những lời chúc tụng, tạ ơn, cầu xin và than thở của dân Chúa. Thánh Vịnh còn là lời Thiên Chúa dạy dân Chúa cầu nguyện.
3. Giá trị của các sách Cựu Ước
Các sách Cựu Ước không chỉ là sách Thánh của dân Israel, nhưng còn là sách Thánh của dân Kitô giáo. Thánh Phaolo nói: “Mọi lời xưa đã chép trong Thánh Kinh đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta thêm kiên nhẫn và an ủi chúng ta, nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy”(Rm 15,4).
PHẦN HỌC VIÊN
1. Thánh Kinh là gì? Ai là tác giả Thánh Kinh?
Thánh Kinh là sách ghi chép mặc khải của Thiên Chúa dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa là tác giả Thánh Kinh và Người đã linh hứng cho một số người để họ viết những gì Người muốn mặc khải.
2. Thánh Kinh gồm mấy phần và bao nhiêu cuốn?
Thánh Kinh gồm hai phần: Cựu Ước có 46 cuốn và Tân Ước có 27 cuốn, trong đó bốn sách Tin Mừng là quan trọng nhất.
3. Đâu là trọng tâm của toàn bộ Thánh Kinh ?
Là Đức Giêsu Kitô, vì toàn bộ Thánh Kinh qui hướng về Đức Giêsu và được hoàn tất nơi Người.
4. Thánh Kinh có vai trò nào trong đời sống Hội thánh?
Thánh Kinh đem lại sự hỗ trợ và sức mạnh cho đời sống Hội thánh. Ðối với con cái Hội thánh, Thánh Kinh là sự củng cố đức tin, là lương thực và nguồn mạch của đời sống tinh thần. Thánh Kinh là "đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi" (Tv 118,105). Hội thánh khuyến khích chúng ta đọc Thánh Kinh, vì "không biết Thánh Kinh là không biết Ðức Kitô" (thánh Giêrônimô).
5. Cựu Ước là những sách nào?
Sách Cựu Ước là những Sách Thánh được viết từ khoảng năm 1000 đến năm 100 trước Công nguyên, ghi lại GIAO ƯỚC giữa Thiên Chúa và dân Israel, chuẩn bị họ đón nhận Đấng Cứu Thế.
6. Sách Cựu Ước có bao nhiêu cuốn và mấy loại?
Sách Cựu Ước gồm 46 cuốn và chia làm 4 loại:
1. Ngũ thư: 5 cuốn đầu tiên trong bộ Thánh Kinh;
2. Lịch sử: 16 cuốn;
3. Giáo huấn: 7 cuốn;
4. Ngôn sứ: 18 cuốn.
7. Sách Cựu Ước dạy ta những chân lí căn bản nào?
Sách Cựu Ước dạy ta những chân lí căn bản này:
- Chỉ có một Thiên Chúa là Đấng độc nhất ta phải tôn thờ;
- Thiên Chúa yêu thương và trung thành với lời giao ước;
- Dù con người (dân Israel) phản bội, Thiên Chúa vẫn hằng yêu thương, sẵn sàng thực hiện lời hứa ban ơn cứu độ;
- Khi dân trung thành, Thiên Chúa phù trợ, che chở; khi dân bất trung, Thiên Chúa cảnh tỉnh bằng những tai ương.
8. Cựu Ước có liên quan gì với Tân Ước?
Hiến chế Mặc Khải, số 16 viết: “Thiên Chúa đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước… Các sách Cựu Ước đạt được và bày tỏ đầy đủ trong Tân Ước. Ngược lại, Tân Ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước”.
Dom. Duy Khang, OP.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét